• Chia sẻ bài viết

  • Từ khóa

    Blockchain là gì? Giải thích chi tiết về Blockchain cho người mới bắt đầu

    Wilson Nguyen02:09 - 9 Tháng Ba, 2023
    785 lượt xem

    Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, tiền điện tử trong một vài năm gần đây, hoặc là nghe được từ đâu đó chắc hẳn ít nhất một lần bạn đã nghe đến thuật ngữ “Blockchain”. Trong thời đại công nghệ phát triển, Blockchain đang dần trở nên quen thuộc và phổ biến hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc tính cũng như cách thức hoạt động của công nghệ này. Cùng đọc tiếp bài viết để tìm hiểu chi tiết về công nghệ này.

    Blockchain là gì?

    Lịch sử Blockchain

    Năm 2008, Satoshi Nakamoto xuất bản “Bitcoin: hệ thống tiền điện tử”. Một năm sau đó, một giao dịch Bitcoin đã được thực hiện thành công. Năm 2011, 1 đơn vị Bitcoin có giá trị bằng 1 USD. Từ nên tảng này, năm 2012, Blockchain và Crypto chính thức bước vào văn hóa đại chúng bằng việc xuất hiện trên các chương trình truyền hình nổi tiếng.

    Năm 2016, IBM tuyên bố sử dụng chiến lược Blockchain cho các giải pháp kinh doanh dựa trên điện toán đám mây. Chính phủ Nhật Bản cũng công nhận tính hợp pháp của Blockchain và Crypto. Từ đó đến nay, công nghệ Blockchain đang được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống. Vậy thực sự Blockchain là gì?

    Khái niệm Blockchain

    Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối (block) được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian để tạo thành một chuỗi (chain). Mỗi khối trong Blockchain sẽ được liên kết với khối trước đó, chứa thông tin về thời gian khởi tạo khối đó kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.

    Hiểu đơn giản, Blockchain có thể được xem là một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau, lưu trữ mọi thông tin giao dịch và đảm bảo các thông tin đó không thể bị thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi thông tin được lưu trên cuốn sổ cái đó sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung. Sẽ không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên hay xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó.

     

    Mục tiêu của Blockchain?

    Mục tiêu của Blockchain là cho phép mọi người kể cả những người xa lạ, không có liên hệ hay niềm tin vào đối phương cùng chia sẻ một dữ liệu có giá trị một cách an toàn, chính xác.

    Chúng ta có thể hiểu đơn giản là những thông tin về hoạt động tài chính, giao dịch tài sản sẽ được ghi vào một cuốn sổ cái. Điểm khác biệt của Blockchain với cuốn sổ giấy là thay vì một người lưu giữ, công nghệ này sẽ giúp công khai thông tin cho những người có liên quan để cùng quản lý cũng như đảm bảo tính chính xác, minh bạch của thông tin.

    Các đặc điểm giúp Blockchain trở lên khác biệt

    Tính phi tập trung (Decentralized)

    Blockchain hoạt động độc lập theo các thuật toán máy tính, hoàn toàn không bị bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào nắm quyền kiểm soát. Chính vì lý do này lên không bị ảnh hưởng hay rủi ro nào từ bên thứ ba.

    Tính phân tán (Distributed)

    Các khối chứa dữ liệu của Blockchain được phân tán ở nhiều nơi khác nhau. Nếu có một nơi bị hỏng thì cũng sẽ không bị ảnh hưởng đến dữ liệu chung của Blockchain.

    Không thể thay đổi dữ liệu

    Một khi dữ liệu đã được nhập vào Blockchain thì sẽ không thể bị thay đổi hay sửa chữa sau đó nữa, bởi đặc tính của thuật toán đồng thuận.

    Tính minh bạch

    Các giao dịch trong Blockchain đều được lưu lại và mọi người có đều có thể kiểm tra hay truy xuất lịch sử giao dịch bất kỳ lúc nào.

    Tính bảo mật

    Chỉ những người nắm giữ private key mới có thể truy cập dữ liệu bên trong Blockchain. Nhưng cũng có mặt trái là nếu bạn bị mất private key này thì cũng sẽ bị mất khả năng truy cập thông tin và tài sản trên Blockchain nếu cần.

    Tích hợp các hợp đồng thông minh

    Các Blockchain đều được tích hợp các hợp đồng thông minh, khi các điều kiện trước đó của hợp đồng thông minh thỏa mãn, hợp đồng sẽ ngay lập tức được thực hiện mà không thể can thiệp từ bất kỳ ai.

    Thuật toán Blockchain là gì?

    Định nghĩa 

    Thuật toán đồng thuận Blockchain là sự đồng ý xác thực thông tin trong bản ghi là chính xác của đa số các nút ở trong mạng lưới và cho phép ghi lại thông tin giao dịch vào trong Blockchain.

    Nếu có sự thay đổi của một block trong mạng lưới. Dữ liệu này được so sánh với các dữ liệu của các khối khác. Nếu có sự khác biệt thì nó sẽ không cho phép dữ liệu ấy được ghi vào bên trong Blockchain. Đó là cách Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu.

    Các thuật toán Blockchain phổ biến

    Dưới đây là một số thuật toán Blockchain phổ biến hiện nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chúng cụ thể là gì:

     

    Proof of Work (PoW)

    Proof of Work là bằng chứng công việc. Trong cơ chế đồng thuận này, các thợ đào (miner) sẽ dùng sức mạnh máy tính để giải các bài toán của mạng. Sau khi giải xong, họ sẽ giành được quyền xác thực giao dịch và tạo khối mới trong Blockchain.

    Đây là cơ chế đồng thuận đầu tiên và gắn liền với Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH),…

    Proof of Stake (PoS)

    Proof of Stake là bằng chứng cổ phần. Cơ chế đồng thuận này sẽ không có các thợ đào như PoW, thay vào đó những người tham gia xác thực giao dịch sẽ phải stake lượng coin lớn để giành quyền xác thực giao dịch và tạo khối. Do đó, PoS không yêu cầu phải đầu tư nhiều máy đào đắt tiền.

    Một số dự án sử dụng cơ chế này: Cosmos (ATOM), Binance Coin (BNB), Ontology (ONT),…

    Delegated Proof of Stake (DPoS)

    Delegated Proof of Stake là bằng chứng ủy quyền cổ phần. Thay vì phải stake để xác thực giao dịch như PoS, những người nắm giữ token sẽ tiến hành bỏ phiếu cho một nhóm được chọn để thực hiện vai trò xác nhận các giao dịch.

    DPoS giúp đảm bảo sự trung thực và công bằng bằng việc thực hiện các hoạt động bỏ phiếu liên tục và cũng liên tục xáo trộn trong hệ thống, để đảm bảo những người được chọn là trung thực và có trách nhiệm.

    Một số dự án sử dụng cơ chế này là: Bitshares (BTS), EOS (EOS), LISK (LSK), ICON (ICX), Cybermiles (CMT),…

    Byzantine Fault Tolerance (BFT)

    Byzantine Fault Tolerance là thuật toán đồng thuận chống gian lận trên Blockchain. Thuật toán này cho phép những người thực hiện xác minh quản lý mỗi trạng thái của một chuỗi, đồng thời chia sẻ các thông điệp với một chuỗi khác, để có được những bản ghi giao dịch chính xác và đảm bảo sự trung thực.

    Một số dự án sử dụng thuật toán BFT là: NEO (NEO), Ripple (XPR), Stellar (XLM),…

    Proof of Authority (PoA)

    Proof of Authority là thuật toán đồng thuận dựa trên danh tiếng. Những người xác thực khối sẽ không được dựa trên số lượng coin họ nắm giữ, mà sẽ dựa trên chính danh tiếng của mình. Chính vì vậy, các Blockchain PoA được bảo mật bởi các node xác thực được lựa chọn tùy ý như là các thực thể đáng tin cậy.

    Một số dự án tiêu biểu sử dụng thuật toán BFT là: MakerDAO (xDAI), ZINC (ZINC),…

    Proof of Weight (PoWeight)

    Proof of Weight là thuật toán đồng thuận dựa trên thuật toán đồng thuận Algorand.

    Ý tưởng của nó cũng giống PoS đó là cũng dựa vào số lượng token nắm giữ trong mạng sẽ tương đương với phần trăm xác suất tạo đc ra block tiếp theo cơ chế tính của hệ thống PoWeight kèm với một vài giá trị khác được sử dụng.

    Một số dự án tiêu biểu sử dụng thuật toán PoWeight là: Algorand (ALGO), Filecoin (FIL),…

    Proof of History (PoH)

    Proof of History là thuật toán đồng thuận xác minh thứ tự và thời gian giữa các giao dịch. Cơ chế này được xây dựng để giải quyết vấn đề về thời gian trong các mạng phi tập trung ở nơi không có cùng mốc thời gian.

    Dự án tiêu biểu sử dụng thuật toán PoH là: Solana (SOL),…

    Proof of Reputation (PoR)

    Proof of Reputation là cơ chế đồng thuận dựa vào uy tín của các bên tham gia để giữ cho mạng an toàn. Một bên tham gia xác thực block phải đủ uy tín, để nếu họ cố tình gian lận thì uy tín của họ sẽ bị ảnh hưởng. 

    Đây là khái niệm tương đối trừu tượng vì hầu hết các công ty tham gia vào hệ thống nếu gian lận sẽ bị ảnh hưởng đến danh tiếng, những công ty lớn sẽ thiệt hại nhiều hơn.

    Một số dự án tiêu biểu sử dụng thuật toán PoR là: GoChain Coin (GO),…

    Các loại công nghệ Blockchain

     

    Blockchain 1.0: Tiền tệ

    Phiên bản đầu tiên của công nghệ Blockchain. Nhờ có công nghệ sổ cái phi tập trung mà các giao dịch trên Blockchain được xử lý một cách nhanh chóng và minh bạch.

     Ví dụ tiêu biểu nhất của Blockchain 1.0 chính là bitcoin. Đồng tiền điện tử quen thuộc và tiêu biểu, đặt nền móng cho sự phát triển bùng nổ của thị trường tiền điện tử hiện tại.

    Blockchain 2.0: Hợp đồng thông minh

    Là phiên bản thứ 2 của công nghệ Blockchain. Với việc tích thêm hợp đồng thông minh, các giao dịch trên Blockchain sẽ được giảm chi phí, chống gian lận, cũng như là tăng thêm tính minh bạch. 

    Ví dụ điển hình của phiên bản này chính là Ethereum, đồng tiền điện tử đứng thứ hai về vốn hóa thị trường.

    Blockchain 3.0: Ứng dụng phi tập trung

    Ứng dụng phi tập trung (DApp – Decentralized Application) là các phần mềm được triển khai độc lập, không nằm trên một máy chủ duy nhất mà lưu trữ một cách phân tán trên các kho lưu trữ phi tập trung và có thể được viết bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.

    Hầu hết mã nguồn của Dapp đều chạy trên các mạng lưới ngang hàng (Peer-to-Peer), điều này ngược lại so với các ứng dụng truyền thống và chỉ chạy trên một hệ thống tập trung duy nhất.

    Công nghệ Blockchain 4.0: Ứng dụng vào thực tiễn

    Blockchain của thời đại này không chỉ tập trung vào lĩnh vực tài chính mà còn trở thành một giải pháp cho các vấn đề cơ bản của đời sống. Blockchain có tác dụng hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng một quá trình làm việc xuyên nền tảng, chẳng hạn như chuỗi cung ứng, hệ thống xử lý đơn hàng tự đồng, thanh toán, thu thập dữ liệu Internet.

    Các ứng dụng thực tiễn của Blockchain

    Ứng dụng Blockchain trong thương mại điện tử

    Các vấn đề lớn nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử là tính bảo mật, quản lý chuỗi cung ứng và quá trình vận chuyển hàng hoá đến người tiêu dùng, tạo nên nhiều rào cản giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất.

    Tuy nhiên, Blockchain đã giúp giải quyết vấn đề đó bằng các hợp đồng thông minh (smart contract), tạo điều kiện cho các bên ký kết dễ dàng, tiết kiệm được chi phí nhờ lược bỏ được trung gian khi liên kết với các doanh nghiệp đa quốc gia.

    Ứng dụng Blockchain trong y tế

    Với ngành y tế việc lưu trữ dữ liệu của từng bệnh nhân rất quan trọng, tuy nhiên trong thực tế việc này gặp khá nhiều khó khăn về khả năng lưu trữ của các nền tảng truyền thống.

    Khi được ứng dụng Blockchain, khả năng lưu trữ sẽ được giải quyết. Giúp cho bác sĩ dễ dàng truy cập dữ liệu của một bệnh nhân một cách dễ dàng. Tránh được những sự cố đáng tiếc do thiếu dữ liệu.

     

    Ứng dụng của Blockchain trong giáo dục

    Ứng dụng Blockchain trong giáo dục giúp lưu trữ các dữ liệu về bảng điểm, quá trình đào tạo, kinh nghiệm giảng dạy & lịch sử của từng cá nhân, từ đó sẽ tránh được việc gian lận khi xin cấp học học bổng, thăng chức, hoặc khai gian về trình độ học vấn hay kinh nghiệm làm việc.

    Ngoài ra, với tính chất của hợp đồng thông minh, Blockchain còn cho phép tự động thực thi các điều khoản trong quy chế đào tạo và xử lý các trường hợp vi phạm,…

    Từ 30/06/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức vận hành Hệ thống Tra cứu thông tin văn bằng chứng chỉ trên Blockchain do TomoChain bàn giao. Đây được xem là cột mốc đánh dấu cho sự công nhận của nhà nước đối với công nghệ Blockchain nói riêng và tiền điện tử nói chung.

    Ứng dụng của Blockchain trong thanh toán

    Việc thanh toán truyền thống thường đi kèm với các nhược điểm của bên thứ ba, hay do khoảng cách địa lý. 

    Với ứng dụng của Blockchain các vấn đề này sẽ được giải quyết. Không còn bên thứ ba, hạn chế các rủi ro về bảo mật cho khách hàng. Các bên hoàn toàn có thể chuyển tiền cho nhau từ bất kỳ đâu với tốc độ cao và chi phí thấp làm cho khoảng cách địa lý không còn là vấn đề.

    Ngoài ra Blockchain còn có các ứng dụng vào nhiều lĩnh vực thực tế khác, nhờ những ưu điểm vượt trội của công nghệ này.

    Ví Blockchain là gì?

    Ví Blockchain là một ví online để lưu trữ các loại tiền điện tử. Một vài loại ví tiêu biểu như Metamask, Trust Wallet, Trezor… 

    Tổng kết

    Trên đây là toàn bộ các thông tin đáng chú ý về Blockchain, công nghệ tương lai của thời đại mới. Hy vọng anh em đã phần nào hiểu thêm được về Blockchain. Đây cũng là tiền đề để anh em có thể tìm hiểu kỹ hơn về thị trường tiền điện tử rộng lớn. 

     

    Disclaimer: Thông tin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Coin Plus. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật một số nước công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

    ảnh quảng cáo

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Mục Lục